Trong buổi sáng ngày 10/11, trạm quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại quận Long Biên liên tục cảnh báo chất lượng không khí kém, người dân không nên ra ngoài.
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Sức khỏe - Y tế, được chúng tôi tổng hợp từ báo KTNT, nguồn bài: https://kinhtenongthon.vn/chat-luong-khong-khi-kem-nguoi-ha-noi-nen-can-trong-post31679.html
Người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng
Cụ thể, lúc hơn 7 giờ sáng nay, trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP.Hà Nội ở mức kém.
Kèm theo ghi nhận này là khuyến cáo người dân không nên ra ngoài. Một trạm quan trắc không khí khác của Tổng cục Môi trường ở TP.Việt Trì (Phú Thọ) cũng cảnh báo chất lượng không khí ở mức kém. Đến hơn 12 giờ trưa nay, chất lượng không khí ở hai trạm quan trắc này tiếp tục ở mức kém. CÙng với đó, Tổng cục môi trường khuyến cáo người dân không nên ra ngoài. Trong khi đó, lúc hơn 8 giờ sáng nay, kết quả của hệ thống quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng cho thấy 3 điểm đo ở quận Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên đều ở mức không lành mạnh.
Đến hơn 12 giờ trưa nay, hệ thống quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận chất lượng không khí đã tốt lên nhưng vẫn còn 2 điểm ở mức không lành mạnh là tại quận Tây Hồ và quận Đống Đa.
Tương tự, ứng dụng của hệ thống quan trắc, cảnh báo chất lượng không khí Air Visual cũng liên tục cảnh báo chất lượng không khí ở mức màu đỏ, có hại cho tất cả mọi người trong cả buổi sáng nay.
Ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air cũng cảnh báo chất lượng không khí ở Hà Nội không đảm bảo
Kết quả quan trắc chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường những đầu tháng 11 cũng thể hiện, chất lượng không khí tại Hà Nội đang có xu hướng giảm, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, những ngày 1 - 4.11 nồng độ PM2.5 về cơ bản vẫn đạt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT, chất lượng không khí chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, đến các ngày 5 – 6.11, nồng độ PM2.5 đã vượt quy chuẩn tại hầu hết các trạm, chất lượng không khí cũng theo đó ở mức xấu, kém.
Theo Tổng cục Môi trường,Ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường diễn ra từ đêm đến sáng và chiều tối. Chất lượng không khí được cải thiện vào buổi chiều.
Lý giải cho điều này, Tổng cục Môi trường cho biết, nồng độ bụi PM2.5 thường tăng cao vào khoảng nửa đêm, buổi sáng do khoảng thời gian này lặng gió, hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Buổi trưa đến chiều, ánh năng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất gây ô nhiễm không khí được phát tán nên chất lượng không khí được cải thiện. Đến buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp phía trên do quá trình quá trình bức xạ hồng ngoại, dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt.
Tổng cục Môi trường cũng đưa ra cảnh báo, những ngày tới, khu vực Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng. Người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
Để theo dõi thông tin về chất lượng không khí, người dân nên thường xuyên cập nhật qua website của Tổng cục Môi trường như cem.gov.vn; aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ; PAMAir, Air visual… Từ cuối tháng 8 đến nay, khu vực Hà Nội đã trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong đó, có đợt ô nhiễm không khí từ cuối tháng 9 kéo dài nhiều ngày.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu toàn diện đến sức khỏe
Theo Health, bụi mịn (PM 2.5) kết hợp với khí CO hay SO2, NO2 có trong không khí sẽ gây kích ứng niêm mạc đồng thời cản trở hemoglobin kết hợp oxi khiến tế bào thiếu oxi dẫn đến suy giảm chức năng phổi và làm nặng thêm tình trạng bệnh hen và bệnh tim.
Các chất trên cũng nằm trong danh sách 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người gồm: bụi mịn, khí CO, SO2, NO2, chì và ozon tầng mặt đất, được liệt kê theo WHO.
Bên cạnh đó, các hạt bụi mịn và siêu mịn đã được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm chất gây ung thư cho con người.
Bụi mịn được chia theo kích thước: PM10 là những hạt bụi có đường kính dưới 10 micron (tương đương kích thước của đa số vi khuẩn); PM2.5 là bụi có đường kính dưới 2,5 micron (bằng khoảng 1/30 sợi tóc), thường chỉ được phát hiện bằng kính hiển vi.
Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, để bảo đảm sức khỏe. Ảnh :tuoitre.vn
Trong tình thế hiện nay, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM2.5) đang hoành hành tại TP. HCM và Hà Nội thời gian gần đây được xem là nguy hiểm nhất, vì không chỉ ảnh hưởng đến cửa ngõ của hệ hô hấp là vùng tai mũi họng mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan trong toàn cơ thể bởi khả năng xâm nhập sâu vào phổi, chúng sẽ theo đường máu đến các cơ quan và "hủy hoại" mọi bộ phận cơ thể.
Trước tác hại nặng nề từ ô nhiễm không khí, các chuyên gia y tế, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cảnh báo người dân tại các đô thị lớn phải đặc biệt đề cao ý thức bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí như: Hạn chế ra ngoài đường vào những ngày bầu trời trông như có sương mù, thực tế đó là ảnh hưởng của bụi mịn, của ô nhiễm không khí. Dọn vệ sinh nhà cửa thường xuyên, dùng máy hút bụi hút bụi mỗi tuần để nhà cửa luôn sạch sẽ và thoáng. - Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường. Tạo và duy trì thói quen vệ sinh mũi hàng ngày với nước biển sâu giúp loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây bệnh, phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, hỗ trợ bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Tìm kiếm:✨
- PM2, Ô nhiễm không khí, Mịn, Khí kém, Khẩu trang, Tổng cục Môi trường, Bụi, Nồng độ, Air Visual, Có hại, Ô nhiễm, SO2, NO2, Micron, Quan trắc, Người Hà Nội, Đại sứ quán Mỹ, QCVN 05:2013, Đeo, PAM Air