Báo Thanh Niên: 17% điều dưỡng trả lời khảo sát cho biết đã sử dụng chung kim pha thuốc

Một khảo sát về tiêm an toàn tại các bệnh viện tại TP.HCM cho thấy, 18% điều dưỡng không rửa tay trước khi tiêm; 17% sử dụng chung kim pha thuốc; 33% sử dụng chung nước cất pha.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Sức khỏe - Y tế, được chúng tôi tổng hợp từ báo Thanh Niên, nguồn bài: http://thanhnien.vn/suc-khoe/17-dieu-duong-tra-loi-khao-sat-cho-biet-da-su-dung-chung-kim-pha-thuoc-1117514.html

Điều dưỡng có vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế và an toàn người bệnh - Ảnh: ẢNH ( MINH HỌA) NGỌC THẮNG

Đó là thông tin đáng chú ý tại hội thảo “Nâng cao chất lượng quản lý điều dưỡng và an toàn trong chăm sóc y tế” tổ chức chiều nay, 22.8.

Hội thảo được tổ chức với sự tham dự của các điều dưỡng có nhiều kinh nghiệm quản lý, trong chăm sóc người bệnh. Các tham luận cùng chia sẻ về các yếu tố nguy cơ mất an toàn người bệnh cũng như các giải pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc y tế.

Điều dưỡng hiện chiếm khoảng 50% nhân lực lao động trong ngành y và cả nước hiện có 2.000 điều dưỡng trưởng. Câu lạc bộ điều dưỡng trưởng Việt Nam sẽ tiếp cận và phổ biến các quy trình, kỹ thuật mới trong chăm sóc người bệnh; đào tạo nâng cao chất lượng quản lý điều dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Thông tin tại hội thảo cho biết, bệnh nhân có thể gặp các rủi ro trong quá trình nằm viện, trong đó có thể là tai biến y khoa do bệnh viện gây nên, như: uống nhầm thuốc; phẫu thuật nhầm (phẫu thuật nhầm vị trí, nhầm người bệnh); sự cố liên quan trang thiết bị y tế, môi trường; nhiễm khuẩn bệnh viện hoặc có thể gặp tai nạn (té ngã) trong bệnh viện.

Một khảo sát về tiêm an toàn tại các bệnh viện tại TP.HCM (2014) được thông tin tại hội thảo này cho thấy, 18% điều dưỡng không rửa tay trước khi tiêm; 17% sử dụng chung kim pha thuốc; 33% sử dụng chung nước cất pha.

Các ý kiến cho rằng, nhân viên y tế, điều dưỡng cần tuân thủ các quy định về chống nhiễm khuẩn; trong bệnh viện cần có cảnh báo trơn trượt tại các khu vực có nguy cơ. Đặc biệt, cần tăng cường giao tiếp nhân viên y tế với người bệnh và người nhà; nghiêm túc tuân thủ các quy định về xác định người bệnh, để tránh nhầm lẫn trong trường hợp mổ, can thiệp y tế.

Liên Châu

Tìm kiếm:✨

  • Pha thuốc, Nước cất, Điều dưỡng, Nhân viên y tế, Ngành y, Rửa tay, Ngọc Thắng, Nhiễm khuẩn, Kinh nghiệm quản lý, Hội thảo, Người bệnh, Té ngã, Nhầm, Trơn trượt, Thiết bị y tế, Tham luận, Nằm viện, Tai biến, Khảo sát, Y khoa