Đồng Nai xem xét trường hợp lợn bị nhiễm tả châu Phi chỉ ăn bã rượu và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ đã tiến triển và khỏi bệnh.
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Sức khỏe - Y tế, được chúng tôi tổng hợp từ báo Đất Việt, nguồn bài: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/dan-lon-nhiem-ta-chau-phi-an-ba-ruou-thi-khoi-3386202/
Trao đổi với Báo Đất Việt, ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn huyện Thống Nhất (Đồng Nai) xác nhận thông tin về việc hộ chăn nuôi của bà Đỗ Thị Nhung (ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, H.Thống Nhất) có kết quả dương tính với tả lợn châu Phi sau khi sử dụng hèm rượu (bã rượu) và hun mùn cưa.
Bà Đỗ Thị Nhung và đàn lợn vừa "thoát án tử". Ảnh: Báo Thanh niên
Ông Tùng cho biết, phòng hiện đang tìm thêm lợn đã nhiễm bệnh thử nghiệm nuôi bằng phương pháp ăn hèm rượu và hun khói để có kết quả thực tế, lấy căn cứ để đánh giá.
"92 năm rồi chưa ai tìm ra thuốc giải, cách chữa những con lợn đã nhiễm thành khỏi bệnh. Để chứng minh có phải ăn hèm rượu mà khỏi bị tả châu Phi hay không cần có nghiên cứu khoa học, thực nghiệm, theo từng bước, xác định xem ở hèm rượu có kháng thể hay không... Ở đây, phòng mới chỉ thực hiện nuôi thử nghiệm, lấy kết quả thực tế" - ông Tùng cho biết.
Được biết, phòng Nông nghiệp Huyện phối hợp với UBND xã Quang Trung đã chọn 20 con lợn của hộ ông Nguyễn Duy Tài (ngụ ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung) đã được xét nghiệm dương tính với bệnh tả lợn châu Phi ngày 18/8 để thử nghiệm phương pháp của bà Nhung.
"Chúng tôi sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình của đàn lợn thực nghiệm tại hộ bà Nhung và báo cáo cho UBND huyện, Sở Nông nghiệp để có chỉ đạo kịp thời" - ông Tùng cho biết thêm.
Trước đó, hộ chăn nuôi của bà Nhung đã đón tin vui bất ngờ khi có thể mang đàn lợn thoát "án tử".
Hộ chăn nuôi của bà Nhung nuôi 39 con lợn thả trên rẫy cách nhà hơn 1km, 15 con nuôi tại chuồng của gia đình.
Cuối tháng 7, đàn lợn 39 con trên rẫy nhiễm tả phải tiêu hủy. Sau đó vài ngày, đàn lợn 15 con cũng có dấu hiệu tương tự, bỏ ăn, sốt, nằm li bì... Thấy hiện tượng này, bà Nhung nghi số lợn đã mắc phải tả châu Phi nên đã điện thoại báo tới UBND xã để có biện pháp xử lý. Khi đó, cơ quan thú y địa phương đã đến lấy mẫu xét nghiệm.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, bà Nhung buồn phiền vì năm nay tay trắng, phải tiêu hủy cả đàn lợn vì dịch bệnh.
“Ngồi nấu rượu cạnh chuồng và nhìn đàn heo ủ rũ tôi hết sức đau lòng. Nghĩ bụng trước sau gì chúng cũng bị tiêu hủy nên tôi không cho ăn cám. Sẵn có bã hèm rượu, tôi cho chúng ăn và đổ nước nấu hèm còn nóng ra chuồng với mục đích sát trùng. Tuy nhiên chỉ vài giờ sau ăn hèm, một số con heo trong đàn bắt đầu có dấu hiệu hồi phục” - báo Dân trí dẫn lời bà Nhung kể lại.
Thấy thế, bà Nhung tiếp tục cho heo ăn bằng hèm rượu và sát trùng chuồng như vậy, đồng thời hun khói bằng mùn cưa, bồ kết để giữ ấm.
Vài ngày sau, kết quả xét nghiệm từ cơ quan thú y tỉnh Đồng Nai xác định, 15 con heo của bà Nhung dương tính với dịch tả lợn châu Phi, đồng thời đề nghị tiêu hủy toàn bộ.
Tuy nhiên, do đã thấy lợn có dấu hiệu khỏe lại, bà đã thông báo với cơ quan thú y về tình trạng này và xin giữ lại đàn heo.
Tổ công tác thú y với sự chứng kiến của cán bộ xã đã phải xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, huyện và đồng ý để bà Nhung giữ lại đàn heo để tiếp tục theo dõi.
Một lần nữa cơ quan thú y lại lấy mẫu xét nghiệm và kết quả sau vài ngày vô cùng bất ngờ. Đàn lợn được xác định âm tính với bệnh tả châu Phi.
Cuối ngày 21/8, Chủ tịch UBND xã Quang Trung Phạm Văn Nam thông tin với báo Dân Trí, sau 3 ngày nuôi thí điểm số heo dương tính với tả châu Phi, hiện tại chưa có con heo nào trong số 20 con bị chết hay trở bệnh nặng; theo ghi nhận, tất cả số heo đang có tiến triển tốt về sức khỏe.
Theo Thanh niên, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần xem xét thêm về trường hợp này, cũng như làm việc với Thú y Vùng 6 về kết quả dương tính rồi lại âm tính như trên.
“Hiện vẫn chưa có cơ sở để công bố, cần theo dõi thêm một thời gian nữa. Bởi từ kết quả dương tính nay lại cho âm tính thì cần phải làm rõ nhiều vấn đề vì trong quá trình dịch có cái miễn dịch nhưng đây là nhận xét chủ quan. Cái này phải nghiên cứu cụ thể, bởi trong vi sinh học rất phức tạp. Cần phải nghiên cứu đến nơi đến chốn, để có kết luận cuối cùng” - ông Quang nhận xét.
Được biết, trước trường hợp hy hữu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng đã chỉ đạo theo dõi trường hợp này.
Tìm kiếm:✨
- Dịch tả, Lợn, Châu phi, Tiêu hủy, Dịch bệnh, Bã rượu, Hèm rượu, Đỗ Thị Nhung, Chăn nuôi, Thú y, Nguyễn Huệ 2, Nguyễn Duy Tài, Bệnh tả, Ủy ban nhân dân, Âm tính, Nhung, Mùn cưa, Con heo, Hun khói, Dương tính